Cần Thơ là thành phố lớn nhất khu vực miền Tây, có nếp sống văn hóa đặc trưng vùng sông nước, đem đến cho du khách những chuyến đi và trải nghiệm thú vị.
Là thủ phủ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có mạng lưới kênh rạch chằng chịt kết hợp sự nhộn nhịp của chợ nổi Cái Răng vào sáng sớm, vườn trái cây trĩu quả và kiến trúc độc đáo của nhà cổ, tất cả tạo nên vẻ đẹp sông nước đặc biệt không lẫn vào đâu, dưới đây là những điểm du lịch nổi tiếng Cần Thơ bạn không nên bỏ lỡ khi tới đây.
Chợ Nổi Cái Răng
Địa chỉ: 46 Hai Bà Trưng, Lê Bình, Cái Răng, Cần Thơ
Chợ nổi trở thành một nét đặc sắc, một cái tên thương hiệu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Và khi nói về Cần Thơ - thành phố trung tâm của Miền Tây, người ta không thể nào quên nhắc tới Chợ nổi Cái Răng, phiên chợ đặc biệt mang theo nét đẹp văn hóa của cả một vùng đất.
Lúc mới hình thành, Cái Răng nằm ở vị trí giao giữa 4 con sông, ấy là sông Cần Thơ, Cái Sơn, Đầu Sấu, Cái Răng bé. Sau đó chợ mới được di rời tới vị trí hiện giờ, cách vị trí cũ chừng 1km.
Cái Răng là một trong 5 khu chợ nổi lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Chợ hoạt động từ khi tờ mờ sáng, chủ yếu là để bán buôn, bỏ mối các loại nông sản, trái cây của vùng. Trên đầu mỗi thuyền sẽ có một “cây bẹo”. “Cây bẹo” này dùng để treo các loại quả mà xuồng ghe buôn bán. Hàng hóa từ chợ nổi được đưa đi khắp nơi, thậm chí sang cả Campuchia, Trung Quốc.
Khi mà những tia nắng đầu tiên bắc đầu ngày mới, chợ tuy không tấp nập nhưng vẫn còn nhiều người qua kẻ lại. Du khách đến Cần Thơ thường đặt tour đi chợ nổi vào buổi sáng. Tour sẽ bắt đầu từ bến Ninh Kiều, đi dọc sông, qua chợ Cái Răng với biết bao thuyền bè tấp nập hàng hóa, qua những nhà cao tầng để đến với xưởng sản xuất hủ tíu, miệt vườn trái cây…
Bến Ninh Kiều
Địa chỉ: 106 Hai Bà Trưng, Tân An, Ninh Kiều, Cần Thơ
Bến Ninh Kiều là biểu tượng của thành phố. Ninh Kiều nằm giữa ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ. Ngày xưa, nơi đây là bến sông ở đầu chợ. Đến khi Pháp chiếm đóng thì trở thành bến tàu giao thương văn hóa, lúc nào cũng đông đúc, tấp nập. Hồi ấy, người Pháp gọi Ninh Kiều là Quai de Commerce còn dân Việt gọi là bến Hàng Dương bởi dọc sông trồng nhiều cây dương xanh tốt.
Ngày nay, bến Ninh Kiều được đầu tư trở thành công viên du lịch, là địa điểm du lịch không thể bỏ qua khi đến Cần Thơ. Người dân và du khách ghé đây để tản bộ, hóng mát. Từ Ninh Kiều, mọi người có thể nhìn thấy cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á - cầu Cần Thơ. Và cũng từ đây, xuôi theo sông Hậu, du khách đến với chợ nổi Cái Răng tấp nập nhất sông nước miền Tây. Buổi tối, lên du thuyền Cần Thơ ăn uống, ngắm cảnh cũng thấy lòng hân hoan lắm.
Nhà Cổ Bình Thuỷ
Địa chỉ: 144 Bùi Hữu Nghĩa, Bình Thuỷ, Bình Thủy, Cần Thơ
Nhà cổ Bình Thủy vốn là nhà thờ của dòng họ Dương. Nhà được xây dựng từ năm 1870, ban đầu vốn là một ngôi nhà gỗ năm gian. Sau hơn 30 năm sử dụng, nhà được làm lại, tới tận năm 1911 mới hoàn thành. Đây là mẫu nhà cổ hiểm hoi còn nguyên vẹn ở Bình Thủy nên người dân nơi đây lấy tên xã đặt cho nhà để phân biệt với nhà cổ của vùng khác.
Để xây dựng nên nhà thờ này, dòng họ Dương đã tốn rất nhiều tiền bạc, công sức và cả thời gian. Ngôi nhà được thiết kế theo phong cách phương Tây, mang dấu ấn kiến trúc Pháp khi nhìn từ bên ngoài. Nhưng càng vào sâu bên trong, người ta càng thấy rõ nét đẹp của kiến trúc truyền thống của Việt Nam.
Vẻ đẹp của nhà cổ Bình Thủy nức tiếng gần xa, nhiều người biết tới. Thời bấy giờ, đạo diễn gạo cội Jean Jacques Annaud còn mê kiến trúc của ngôi nhà này đến mức xin mượn làm bối cảnh để quay bộ phim “Người tình” với sự góp mặt của diễn viên nổi tiếng Lương Gia Huy và Jane March.
Ngày nay, nhà cổ Bình Thủy vẫn là nơi lưu tới của nhiều người mê kiến trúc, đồ cổ cùng các giống lan quý hiếm được gia chủ sưu tầm.
Chùa Ông
Địa chỉ: 32, Hai Bà Trưng, Tân An, Ninh Kiều, Cần Thơ
Chùa Ông hay còn gọi chùa Minh Hương hay lại Quảng Triệu Hội Quán. Sở dĩ chùa có tên này vì ngày xưa nơi đây vốn là hội quán của một nhóm người Hoa Quảng Đông thuộc hai phủ Quảng Châu và Triệu Khánh, di cư tới Cần Thơ từ thế kỷ 17-18. Ngôi chùa này được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1993.
Chùa được xây dựng từ hơn 100 năm nước, vào năm 1894. Ngôi chùa nằm biệt lập trong một khu dân cư đông đúc, ngay giữa trung tâm thành phố, cạnh bến Ninh Kiều. Từ khi xây dựng đến nay, diện mạo của chùa gần như không thay đổi. Kiến trúc của chùa đi theo hình chữ Quốc. Các dãy nhà khép kín và vuông góc với nhau. Giữa chùa có một khoảng sân trống còn gọi là sân thiên tỉnh.
Chùa mang nét đẹp khá đặc sắc của người Hoa. Tuy nhiên dù màu sắc sặc sỡ nhưng chùa vẫn giữ lại nét cổ kính, trang nghiêm với mái ngói âm dương cùng các gờ bó men xanh thẫm. Trên góc nhà là một số biểu tượng như: lưỡng long tranh châu, phim phụng, cá hóa long… Hầu hết những nguyên vật liệu để xây dựng nên ngôi chùa này đều được đưa từ Quảng Đông sang.
Hàng thế kỷ trôi qua, chung quanh chùa Ông là một Cần Thơ thay đổi theo năm tháng. Nhưng nơi đây thì vẫn thế, trở thành điểm đi về cho những người con gốc Hoa xa xứ cũng như là điểm dừng chân cho khách du lịch từ khắp mọi nẻo đường.
Vườn Trái Cây Mỹ Khánh
Địa chỉ: Mỹ Khánh, Phong Điền, Cần Thơ
Ghé Cần Thơ mà không thăm vườn trái cây thì quả thật là thiếu xót. Nhưng nếu muốn được “lạc” giữa một vườn cây trong mơ, ngập tràn trái, ăn chơi thỏa thích thì bạn tới Cần Thơ vào mùa hè nhé. Mùa hè có nhiều hoa quả chín nhất, trái cây rộ cả vườn, căng mọng và ngọt lịm.
Vườn cây Mỹ Khánh nằm ngay trên lộ vòng cung của ấp Mỹ Ái, kề sông Cần Thơ. Tới Mỹ Khánh, du khách có thể đi bằng thuyền trên sông hoặc đi đường bộ. Vườn có diện tích 8ha, trồng tới hơn 20 loại cây trái đặc sản miền Tây như: mít, xoài, chôm chôm, mận, sầu riêng… Không chỉ vậy, Mỹ Khánh còn là một khu du lịch sinh thái, tổ chức nhiều hoạt động vui chơi khác như: đua guốc mộc, câu cá sấu, đua heo, nhảy bao bố… cùng một số trò chơi dưới nước đặc sắc như: chèo thuyền kayak, phao chuối, moto nước… Các bạn tới Cần Thơ thì đừng bỏ quên Mỹ Khánh nhé, sẽ đáng tiếc lắm đó.